Chăn nuôi gà an theo hướng toàn sinh học (ATSH) nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường do đó công tác tiêu độc vệ sinh sát trùng phải được thực hiện thường xuyên. Trước khi nuôi phải xông xịt sát trùng chuồng trại theo quy định. Trong suốt quá trình nuôi mỗi tuần xịt toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh (trừ máng ăn, máng uống) 1 lần. Xịt từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 10 bằng dung dịch Biocide 2% với 0,5 lít/m2 chuồng trại lúc trời nắng.
I. Đặc điểm sinh học
1.1. Gà tàu
Nguồn gốc: Có ở Việt Nam từ lâu đời.
Phân bố: Tập trung ở Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương.
Hình thái: Phần lớn có lông màu vàng rơm, vàng sẫm có đốm đen ở cổ, cánh và đuôi. Chân màu vàng, da vàng, thịt trắng. Mào phần lớn là màu đơn và ít mào nụ.
Khối lượng sơ sinh nặng 18-20 gam. Lúc trưởng thành con trống nặng 700 – 750 gam, con mái nặng 550-600 gam. 16 tuần con trống nặng 2 kg, con mái nặng 1,4 kg/con.
Bắt đầu đẻ lúc 120-140 ngày tuổi. Nếu để gà đẻ rồi tự ấp, một năm đẻ 90-120 quả trứng.
1.2. Gà Hmông
– Nguồn gốc: vùng núi cao có người Hmông và các dân tộc thiểu số sinh sống
– Phân bố: các tỉnh miền núi Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Nghệ An, Hà Nội…
– Hình thái: nhiều loại hình và màu lông. Tuy nhiên màu phổ biến là 3 loại: Hoa mơ, đen và trắng. Đặc điểm nổi bật nhất là xương đen – thịt đen – phủ tạng đen và da ngăm đen. Gà Hmông có thể trọng trung bình, tốc độ lớn nhanh hơn gà ri, đặc biệt trong điều kiện được chăm sóc tốt.
– Khối lượng gà con mới nở: 28-30 gam.
– Trưởng thành con trống nặng 2,2-2,5 kg, con mái nặng 1,6-2,0 kg/con.
– Khả năng sản xuất thịt ở con gà 10 tuần tuổi là: thịt xẻ khoảng 75-78%, thịt đùi 34-35%, xấp xỉ các giống gà nội địa khác. Chất lượng thịt: ngon, thơm, rất ít mỡ, da dày giòn, thịt không nhũn như gà công nghiệp, săn nhưng không dai như thịt vịt hoặc ngan. Đặc biệt lượng axit glutamic cao tới 3,87%, vượt trội hơn gà ri và gà ác nên thịt gà có vị ngọt đậm, nhưng lượng sắt lại thấp.
– Bắt đầu đẻ lúc 110 ngày tuổi, nếu để gà đẻ rồi tự ấp, có thể đẻ 4-5 lứa/năm, một lứa 10- 15 quả trứng, khối lượng trứng: 50 gam/quả, màu nâu nhạt.
– Gà Hmông thuộc nhóm gà thịt đen, xương đen, hàm lượng axit amin cao, được sử dụng như là thuốc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh suy nhược, lượng colesteron thấp trong khi axit linoleic cao có giá trị dược liệu đặc biệt trong chữa trị bệnh tim mạch. Mật gà được dùng dể chữa bệnh ho cho trẻ em. Xương gà nấu thành cao để chữa bệnh run tay, run chân…
1.3. Gà Sao
– Gà Sao còn gọi là gà Trĩ có tên khoa học là Bambusicola. Thuộc loại gà rừng hiện có 3 dòng với ngoại hình đồng nhất thường sinh sống ở những khu rừng mưa nhiệt đới gió mùa nóng ẩm hiện có ở các nước đông nam châu Á và nam châu Phi. Riêng ở Việt Nam chúng sống rải rác ở nhiều nơi và tập trung ở nhiều khu rừng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
– Gà sao trên đầu có một sừng, hai tích to và bộ lông có màu xám đen cánh sẽ trên phiến lông có nhiều chấm trắng tròn nhỏ với những đường kẻ sọc chạy từ đầu đến đuôi có hình dáng rất đẹp, gà Sao rất thích bay và thường xuyên kêu rất to, trong chăn nuôi tập trung gà Sao rất nhút nhát dễ sợ hãi, cảnh giác và bay giỏi như chim.
– Gà Sao trong hoang dã tìm kiếm thức ăn trên mặt đất, chủ yếu là côn trùng và những mẩu thực vật. Thông thường chúng di chuyển theo đàn khoảng 20 con.
– Trọng lượng trưởng thành: con trống nặng từ 1,2-1,4kg/con, con mái nặng từ 1-1,2kg/con. Thời gian nuôi đạt trọng lượng thịt là 5-6 tháng. Sản lượng trứng bình quân 70-90 quả/năm.
II. Quy trình kỹ thuật nuôi
2.1. Chuồng trại
a. Lồng úm
– Chuồng úm phải ở nơi tránh mưa tạt gió lùa. Khung sườn có thể bằng gỗ, xung quanh ốp vỉ tre hay lưới thép, cũng có thể dùng mê bồ cao 0.4m vây tròn lại, xung quanh và trên nắp che bọc bằng giấy hoặc nylon để giữ ấm, dùng đèn điện 75-100W sưởi ấm cho gà con. Nên dự phòng thêm than củi, lò than và đèn dầu phòng những ngày cúp điện.
– Tuỳ theo số lượng và độ tuổi mà diện tích chuồng úm, nhiệt độ úm và mật độ úm gà khác nhau. Cụ thể như sau:
Tuổi gà (ngày) | 0-3 | 3-7 | 7-14 | 14-21 |
Mật độ úm (con/m2) | 75-85 | 50-75 | 35-50 | 20-35 |
Nhiệt độ trong lồng úm (độ C) | 33-35 | 33-34 | 31-32 | 29-31 |
Nhiệt độ trong chuồng (độ C) | >28 | 28 | 28 | 28 |
Thời gian úm | 24/24H | úm đêm, ban ngày khi trời mưa lạnh |
Lót nền chuồng | Giấy báo và trấu hoặc mạt cưa |
b. Chuồng nuôi:
– Chọn khu đất cao ráo, thoáng mát để cất chuồng gà. Nên cất chuồng theo hướng Đông hoặc Đông Nam để hứng được nắng sáng và tránh được nắng chiều. Nếu nuôi nhốt hoàn toàn, chú ý mật độ nuôi thích hợp là 08 con/m2 khi nuôi gà thịt trên sàn, 10 con/m2 nếu nuôi gà thịt trên nền.
– Sàn chuồng làm bằng lưới mắt cáo hoặc tre thưa cách mặt đất 0,5 m để thông thoáng, khô ráo, dễ dọn vệ sinh.
– Nền tráng xi măng hoặc nền đất, có trải trấu dày 5–10cm.
– Trong chuồng có gác các sào đậu cách nền chuồng 0,7m.
– Vách: thưng bằng cây hoặc bằng lưới kéo cá vv…, có rèm che. Mặt trước cao 2m, mặt sau 1,5m.
– Mái: Lợp Tol hoặc lá.
– Ánh sáng: Tổng thời gian chiếu sáng cho gà thịt từ 1 ngày đến 4 tuần khoàng 20-24 giờ và 10-18 giờ cho gà từ 5 tuần đến xuất bán.
– Ẩm độ: Gà con rất nhạy cảm với ẩm độ cao, cho nên chúng ta cần thông thoáng tốt. Bình thường ẩm độ trong chuồng nuôi khoảng 60-70%.
– Mật độ: Mật độ gà nuôi (lồng, sàn) từ 1 ngày đến 2 tuần tuổi từ 40-50 con/m2 và từ 3-4 tuần khoảng 20-25 con/m2. Sau 4 tuần có thể thả gà ra vườn với mật độ 2-3 m2/con (tuyệt đối không thả rong gà).
– Hệ thống máng ăn: máng ăn nên đặt giữa chuồng, chiều dài máng ăn khoảng 1m, đặt chéo góc nhọn 300 so với vách chuồng. Tùy theo số lượng gà nuôi mà số lượng máng ăn khác nhau, khoảng 25 – 35 con/máng ăn 0,8 – 1m, khoảng cách giữa các con gà với nhau khi ăn trung bình 2 – 4 cm/con. Dưới máng ăn đặt trên tấm ván lót tránh thức ăn rơi vãi.
– Hệ thống máng uống: do tập tính của gà thường uống nước cùng lúc với ăn, đặt máng ăn và máng uống cạnh nhau để gà được uống nước đầy đủ. Thay nước sạch thường xuyên 3 lần/ngày.
2.2 Sân thả:
Sân thả càng rộng thì càng tốt, mật độ gà thả vườn ít nhất 01 con/m2, có rào chắn xung quanh bằng lưới B40, lưới nilon, tre gỗ… tùy theo điều kiện cụ thể ngăn không cho gà ra ngoài, tránh để các vũng nước đọng trong sân chơi. Trong sân chơi đào rải rác 3–4 hố nhỏ (0,5m x 0,5m x 0,2m) đổ cát vào cho gà tắm nắng (nếu là sân đất).
2.3. Chọn gà giống:
Chọn những con khoẻ, lanh lẹ, lông mượt khô và bóng, da chân và da bụng hơi đen óng. Không khuyết tật như: hở rốn, bụng xanh đen, bụng mềm căng đầy nước, da bụng mỏng, mù mắt, vẹo mỏ, chân cong.
2.4. Chăm sóc nuôi dưỡng
– Trước khi nhận gà 2 ngày: rửa sạch máng ăn máng uống, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi và khu vực nuôi gà.
– Thắp đèn sưởi ấm lồng úm trước khi thả gà vào 30 – 60 phút và bố trí máng uống chỗ úm. Chỉ nên cho ăn sau khi gà con đưa về từ 2 -3 giờ.
– Chăm sóc: Gà mới đem về còn mệt , không cho ăn liền. Nên cho uống nước sạch pha Vitamin C 500mg/lít + 1 muỗng cà phê đường cát hoặc 03 trái hạnh + 01 muỗng đường cà phê đường cát + 01 lít nước sạch.
– Ngày 2: Cho ăn bột bắp nhuyễn hoặc tấm mịn
– Thay giấy lót chuồng hàng ngày
– Từ tuần thứ 2 trở đi bắt đầu bổ sung thêm rau xanh (lục bình, rau muống, cỏ… băm nhỏ). Liều lượng: 10-30g/con/ngày.
– Quan sát các phản ứng của gà điều chỉnh nhiệt độ thích hợp
+ Nhiệt độ quá thấp: Gà xúm lại gần bóng đèn, gà bị lạnh cần thêm bóng đèn hoặc che cho kín gió.
+ Nhiệt độ quá cao: Gà tản xa bóng đèn, há mồm thở, uống nhiều nước do quá nóng, cần giảm bớt bóng đèn hoặc tháo bớt rèm che.