Người ta tự hỏi làm thế nào các sư kê tạo ra những con gà đá xuất sắc mà không cần bất kỳ kiến thức lai tạo cơ bản nào. Nhiều người lai tạo thành công bằng những phương pháp sách vở. Những cựu sư kê thành công nhờ năng khiếu hay “cảm giác” về gà đá, trong khi thế hệ sau này đạt được mục đích lai tạo nhờ kiến thức. Những người mà tôi thấy thành đạt trong một thời gian ngắn, đều có “cảm giác” về gà đá và đọc rất nhiều sách vở, tạp chí về lãnh vực này. Cũng với quan điểm như vậy mà tôi quyết định đề cập đến chủ đề này.
Có rất nhiều lý thuyết về lai tạo trong sách vở, nhưng có hai phương pháp nổi tiếng nhất là lai cận huyết (inbreeding) và lai xa (cross-breeding). Trước tiên chúng ta hãy nói về lai cận huyết. Lai cận huyết là lai giữa các thành viên có quan hệ huyết thống gần gũi. Nếu bạn muốn biết lai cận huyết như thế nào, hãy nhìn vào tỷ lệ cận huyết ở dưới.
1. Lai giữa anh em ruột cùng bầy – 25% (cận huyết sâu).
2. Lai giữa anh em cùng cha-khác mẹ hoặc cùng mẹ-khác cha – 12.5% (cận huyết vừa).
3. Lai giữa bác trai-cháu gái hoặc bác gái-cháu trai – 12.5% (cận huyết vừa).
4. Lai giữa ông-cháu hoặc bà-cháu – 12.5% (cận huyết vừa).
5. Lai giữa anh em họ – 6.3% (cận huyết nhẹ).
Hãy chọn phần trăm cận huyết mà bạn muốn áp dụng cho gà của mình. Nên nhớ mục đích của lai cận huyết là để ổn định gien đồng hợp. Bạn càng lai cận huyết sâu thì gien đồng hợp càng ổn định. Điều này sẽ càng khuyếch đại khi lai cận huyết gà với những kiểu hình tương tự gắn liền với một số kiểu gien.
Khi bạn lai cận huyết gà, hãy lưu ý vấn đề lại tổ (atavism). Lại tổ là sự tái hiện ở con cháu một đặc điểm của tổ tiên xa. Nó có thể phát sinh tật mỏ, con ngươi bất thường, tật ngực, vẹo ngón và lưng… Lại tổ cũng ảnh hưởng đến kiểu hình – đặc biệt là màu lông. Lại tổ là đồng hợp trội.
Một người bạn của tôi có lần lai tạo một cặp Ray Hoskins Grey. Kết quả của cặp gà Grey này – hai trong số bầy con có màu trắng. Cặp gà nhạn lại tổ này sinh ra những con gà trống ưu tú – tất cả đều màu trắng. Ông cũng lai gà lại tổ với gà nhạn dòng khác và vẫn cho ra gà lai thắng độ. Lai gà nhạn lại tổ với gà lai vẫn tạo ra chiến kê chất lượng. Khi màu lại tổ xuất hiện, hãy kiểm tra xem kiểu hình có gắn liền với kiểu gien, tức kiểu đá hay không. Khi lai tạo, nó sẽ đem lại kết quả tích cực. Di truyền là một vấn đề nghiêm túc và không phải lúc nào cũng diễn ra theo dự tính của chúng ta. Hầu hết các nhà lai tạo đều duy trì những dòng gà cận huyết sâu làm giống. Họ không đem gà giống đi đá; mà chỉ đá gà pha.
Hugh Norman, “nhà lai tạo bậc thầy”, người tạo ra dòng chiến kê Rebel trứ danh. Ông là một trong những nhà lai tạo duy trì những dòng cận huyết và pha chúng để lấy ưu thế lai (hybrid vigor). Với ông, gà giống và gà đá là khác nhau. Ông không đá gà giống cũng như không lai gà pha. Theo phương pháp này, gà giống của bạn càng cận huyết sâu thì lợi thế lai càng nhiều khi chúng được pha.
Theo phương pháp của Norman, chúng ta lai tuyển chọn (line-breeding) trước khi pha. Lai tuyển chọn là lai cận huyết cá thể, ở mỗi thế hệ chúng ta đều “đồng hợp” hóa (double up) gien bầy đàn. Bằng cách lai tuyển chọn, chúng ta cố gắng tạo ra những cá thể gần với tổ tiên về mặt di truyền. Mỗi thế hệ đều được đánh giá một cách cẩn trọng. Thế hệ sau cùng được giữ lại để làm giống hay đem pha.
Hình minh họa phương pháp lai tuyển chọn:
Nếu bạn là nhà lai tạo nhỏ (backyard breeder), bạn có thể không đủ không gian để nuôi gà trong quá trình lai tuyển chọn. Tôi nghĩ bạn nên lai tuyển chọn với một cá thể là đủ. Hãy cố tìm ra cặp gà tiềm năng nhất, và lai ngược về cặp đó. Rồi bạn có thể khép kín (close) dòng lai với những con gà sinh ra sau này. Biến dị (heterosis) hay ưu thế lai (hybrid vigor) không ổn định bằng mỗi dòng thuần, nhưng thích hợp để tạo ra chiến kê chất lượng. Dĩ nhiên, điều này phụ thuộc vào chất lượng cặp gà bổn cùng với việc đánh giá và tuyển chọn của bạn
Còn bây giờ, hãy nói về lai xa (cross-breeding). Lai xa là lai giữa gà không có quan hệ huyết thống gần gũi. Lai xa thường được áp dụng để kết hợp những dòng gà giống chất lượng. Có ba phương pháp lai xa để tạo chiến kê. Chúng được mô tả như sau:
1. LAI TRỰC TIẾP (STRAIGHT-CROSS): hai dòng gà thuần được pha với nhau. Một ví dụ điển hình là bầy chiến kê nhanh-bền được pha giữa Ruble Hatch và Black Traveler. Ở đây, gà trống cũng giống như gà mái.
2. LAI BA DÒNG (THREE WAY-CROSS): nếu bạn có dòng Kelso chém tốt hơn trong các trận đôi công (open sparring) và muốn tăng tực đá (wallop), hãy lấy trống Hatch-Claret pha với mái Kelso. Bầy lai này sẽ có những đặc điểm mong muốn của Kelso, khả năng chém tốt như Claret và đá dai sức như Hatch.
3. LAI BỐN DÒNG (FOUR WAY-CROSS): pha hai bầy lai trực tiếp với nhau, chẳng hạn pha giữa Hatch-Claret với Kelso-Roundhead.
Khi lai xa, luôn nhớ câu ngạn ngữ sau: “Lai xa hay pha huyết hầu như luôn chuyển giao những tính trạng xấu. Những tính trạng tốt thường là kết quả của lai xa nhưng không thể di truyền”. Câu này được trích từ cuốn sách “Modern Breeding of Game Fowl” (Lai tạo chiến kê theo cách hiện đại) của Frank “Narragansett” Shy.
Một phương pháp lai tạo đáng chú ý khác trong sách này là “Phương pháp Narragansett” được phổ biến bởi Frank Shy, một “bậc thầy lai tạo” nổi tiếng nữa với dòng gà đá có tên Narragansett. Phương pháp này chủ trương chuyển giao “máu” của một cá thể trội cho bầy đàn ở “quy mô nhỏ” bằng cách bổ sung định kỳ “máu” đó trong hàng loạt bầy lai thay vì lai cận huyết sâu.
Để tôi giải thích nhé. Giả sử bạn có một con gà trống bổn ưu tú. Hãy lai nó với hàng loạt gà mái và tìm xem bầy nào cho kết quả tốt nhất. Giả sử bạn chọn được hai gà mái tạo ra chiến kê cùng lối đá và đều rất hay. Bầy con của hai con gà mái khác dòng này nên được lai với nhau. Đây là trường hợp lai giữa anh chị em cùng cha khác mẹ với mức độ cận huyết 12.5%. Nếu bạn muốn “ghép” thêm máu mới, hãy đảm bảo chúng giống như trio gốc về hình dạng cũng như lối đá.
Hình minh họa phương pháp “Narragansett” như sau:
Đường gạch là gà trống (stag), đường liền là gà mái (pullet)
Từ hình minh họa, chúng ta lai TRỐNG (A) với MÁI (B) và MÁI (C). Kết quả lai giữa TRỐNG (A) với MÁI (B) là bầy (1) với 1/2 máu TRỐNG (A). Kết quả lai giữa TRỐNG (A) với MÁI (C) là bầy (2) cũng với 1/2 máu TRỐNG (A). Rồi lai bầy (1) với bầy (2) để tạo ra bầy (3) và (4). Bầy (3) và (4) là kết quả lai giữa anh chị em cùng cha khác mẹ vốn vẫn mang máu của con trống TRỐNG (A) gốc.
Như vậy là tối đa rồi. Chúng ta không thể lai tiếp bầy (3) và bầy (4) với trio gốc vì quá cận huyết. Chúng ta phải tuyển bên ngoài một con trống khác tương tự như TRỐNG (A) về hình dạng cũng như lối đá, tức TRỐNG (D). Chọn những con gà mái tốt nhất từ các bầy (3) và (4) để lai với nó.
Kết quả sẽ cho ra các bầy (5) và (6) với 1/4 máu của con TRỐNG (A) gốc.
Với yêu cầu thiết lập tính trạng mong muốn của TRỐNG (A), chúng ta sẽ chọn những con mái bầy (5) và (6) để lai với nó. Kết quả sẽ thu được các bầy (7), (8), (9) và (10) với 5/8 máu TRỐNG (A) gốc. Chúng ta vẫn có thể lai gà 5/8 máu TRỐNG (A) gốc với MÁI (B) và MÁI (C), nhưng điều đó không thuộc phạm vi của bài viết này. Các bạn hãy tự tìm hiểu nhé. Ở đây, chúng ta chỉ tập trung vào ý tưởng rằng, để gia tăng các đặc điểm mong muốn ở TRỐNG (A), chúng ta bổ sung máu của nó vào bầy lai một cách định kỳ, mỗi lần một ít.
Một phương pháp đáng chú ý nữa là lai thể (out-breeding). Lai thể là lai cùng dòng nhưng xuất phát từ những nhà lai tạo khác nhau với điều kiện là chúng phải được giữ thuần. Nếu bạn có dòng Kelso và bạn không biết cách giữ dòng, bạn có thể mua một con Kelso trống từ nhà lai tao khác và đem lai với mái Kelso nhà. Bầy con vẫn là Kelso thuần nhưng bạn lại không lai cận huyết quá sâu.
Một số nhà lai tạo nhỏ pha gà Mỹ với gà phương Đông. Nếu bạn thuộc nhóm này, tốt nhất bạn nên áp dụng phương pháp “bậc” phương Đông IVY (Ivy Oriental grade). Ivy chuộng gà 1/4 “bậc” phương Đông trong các bầy “lai trực tiếp” hay “lai ba dòng”. Theo đó, bạn chỉ cần một con gà trống phương Đông để tạo ra gà mái 1/2 bậc. Nên nhớ, “bậc” phương Đông là phương pháp thử và loại (trial & error method).
Để tôi giải thích cách thực hiện. Theo phép “lai trực tiếp”, trước tiên bạn lai gà phương Đông, chẳng hạn với dòng Davis Mims. Bầy này sẽ có 1/2 “bậc” phương Đông. Chúng ta chọn con gà mái 1/2 “bậc” phương Đông tốt nhất và lai ngược về trống Davis Mims. Phép “lai trực tiếp” này sẽ tạo ra bầy 1/4 “bậc” phương Đông.
Nếu bạn muốn thực hiện “lai ba dòng”, bạn chọn gà mái 1/2 bậc (bầy trống phương Đông lai với mái Davis Mims) lai với bầy Davis Mims-Hatch Gull. Bầy con sẽ có 1/4 Hatch Gull, 1/2 Davis Mims và 1/4 “bậc” phương Đông. Tác giả cũng chuộng gà 1/8 “bậc” phương Đông.
Chìa khóa của thành công trong việc tạo “bậc” gà phương Đông là tuyển chọn và loại bỏ không thương tiếc. Chọn những con gà trống phương Đông nạp dữ, chém tốt và luôn bật cao hơn đối thủ mỗi lần nạp. Những con đá rát trong trường đấu thường thiếu lực vì vậy hãy bổ sung chút % máu dai sức (HATCH). Những con gà phương Đông mà bạn đổ chỉ đá dai sức khi đạt 2 tuổi. Tác giả từng chứng kiến rất nhiều gà phương Đông bỏ chạy khi đá cựa sắt. Chúng không đá đến hết trận. Tuy nhiên, có một số con đá lâu đến 10 phút và chịu được vết chém sâu khi đạt 2 tuổi hay hơn. Những con gà phương Đông này có đáng để lai tạo không? Chúng không cần phải chăm sóc nhiều trước khi đá và kháng bệnh rất tốt.
Bài viết này chủ yếu dành cho người mới chơi và các nhà lai tạo nhỏ. Tôi hy vọng có thể giúp các bạn được phần nào. Chúc các bạn thành công.