Có rất nhiều tài liệu viết về những con gà nòi (gà đá) được cho là “Linh Kê”, “Thần Kê” kèm theo các cụm từ đầy huyền bí như “ẩn tướng”, “bí tướng”, “dị tướng” và tên gọi các loại vảy gà rất khó hiểu, khó nhớ, đại loại như “Vấn án hành khai”, “Cứ cang điểm” hay “Xuyên thành giáp” …Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu này lại không kèm theo hình ảnh minh họa hoặc chỉ kèm theo hình vẽ trắng đen, sơ sài làm cho người đọc, thậm chí là dân mộ điệu gà nòi, rất khó hình dung như thế nào là con gà “Thần Kê”, “Linh Kê”. Nhiều người còn cho rằng đó chỉ là những con gà trên sách vở, không thể tồn tại trên thực tế. Mục đích của bài viết này là nhằm cung cấp hình ảnh minh họa bằng những hình ảnh thực tế về một số con gà được cho là “Thần Kê”, “Linh Kê” để các bạn tiện tham khảo.
Gà Đoản Thiệt (Lưỡi rùa)
Gà Đoản Thiệt có lưỡi ngắn hoặc bị thụt sâu vào tận bên trong. Thường thì gà này có giọng gáy nghe rất lạ tai, có con gáy không ra giọng mà chỉ nghe được tiếng rít. Một số địa phương nghe tiếng gà này gáy như tiếng cá sấu kêu nên còn gọi là gà cá sấu.
Sách gà của cụ Vương Hồng Sển viết có viết “gà này tựa như không có lưỡi, vì lưỡi còn cụt ngắn hơn gà lưỡi rùa nữa, mới xem họng gà tưởng đó là một loại với họng cá sấu là giống không lưỡi. Gà cá sấu miệng hôi thúi lắm, nhưng chính vì ẩn tướng như thế, nên “may độ” lắm, thắng nhiều trận một cách bất ngờ, nên tay chơi gà, khi biết thì ít ai dám chịu độ với gà cá sấu là vậy”.
Theo tác giả Nguyễn Tú thì “Có con gáy không ra hơi như gà bị nghẹt họng, tiếng gáy như tiếng cá sấu kêu ngoài bãi, nên còn có tên là gà cá sấu”. Còn tác giả Phan Kim Hồng Phúc nâng gà này lên hàng “thần kê” bởi sự “dai sức, đá đòn mạnh, thường ra đòn liên tục”.
Gà Lông Voi
Lông voi thường có một hoặc hai cái, nằm gần nhau hoặc xa nhau, đóng ở cánh hoặc ở đuôi gà. Lông voi rất cứng, thường to bằng sợi kẽm nhỏ, dài khoảng 3 – 4 cm và xoắn lại như một cái lò xo đã giãn ra. Gà mái mà có lông voi thì rất quý, nên dân chơi gà thường giữ lại để đúc mái. Gà lông voi thuộc loại Linh kê, trăm ngàn con mới có một nhưng người ta quý gà mái có lông voi hơn gà trống có lông voi. Có 3 dạng lông voi thường gặp:
(1) Lông hơi cứng, cong, to bằng sợi kẽm nhỏ, dù bẻ cong như thế nào đi nữa thì nó cũng duỗi thẳng y như cũ (còn gọi là “lông nhím”);
(2) Lông cứng, lớn sợi, có hình dạng giống như đường zic-zac hay như sợi tóc ngứa, loại này dễ bắt gặp hơn loại thứ nhất (còn gọi là “lông thép”);
(3) Lông xoắn lại như lò xo, kéo thẳng nó và bong tay thì nó trở lại như cũ, loại này gặp cũng khá nhiều (cũng được gọi là “lông thép”).
Sách gà của tác giả Vũ Hồng Anh vẽ hình lông voi (tượng mao) có chóp nhọn như cây thông giáng sinh.
Hình minh họa gà Lông Voi:
Lông này thì gần giống lông voi nhưng không phải là lông voi.
Gà Song Sinh
Đó là trường hợp một trứng có hai lòng đỏ, từ trứng đó nở ra hai con gà. Theo người xưa thì khi mang đi đá chỉ việc cho một con đá, còn con kia nhốt trong lồng. Con gà đứng bên ngoài chỉ cần gáy hay vỗ cánh là con gà đang đá như được tiếp thêm sức mạnh.
Sách gà của tác giả Xuân Tùng có viết: “Một trứng nở ra hai con gà trống, gà này khi ra trường đá, cần mang cả hai anh em dù chỉ một đá một đứng ra ngoài, cất tiếng gáy trợ lực”. Trong truyện “Gà sanh đôi” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng nhắc đến gà song sinh – vì hai con giống hệt nhau nên lúc bồng nước, chủ gà tráo con đang nghỉ ra đá, đá xa luân chiến kiểu đó đối phương nào chịu cho thấu, rồi đến khi bị phát hiện không cho đá ăn gian nữa thì con bên ngoài lại gáy “nhắc tuồng” cho con bên trong đá! Truyện hay nhưng đầy màu sắc ly kỳ, khó xảy ra ngoài thực tế.
Theo cụ Vương Hồng Sển thì “hai con trong một trứng chui ra, nếu đó là trống, thì là quý kê, chủ trọng dụng vô cùng”. Diễn giải theo ý cụ thì gà song sinh tự thân chúng đã là gà quý do hoàn cảnh xuất thân đặc biệt (chứ chẳng phải do hai con biết bênh và hỗ trợ nhau lúc ra trường). Theo kinh nghiệm của nhiều sư kê thì trứng song thai hầu như đều bị hư bởi các phôi thai kèn cựa nhau dẫn đến một cái chết trước, cái sau rồi cũng chết theo vì lây nhiễm. Gà này, nếu có, thì chính chủ của chúng mới biết, người ngoài không thể biết được.
Hình minh họa gà Song Sinh:
Gà Tử Mị (Giả chết)Gà Tử Mị có một đặc điểm là không ngủ trên cây mà chuyên ngủ dưới đất, hai cánh thả thòng xuống hai bên hoặc xòe ra như phơi nắng, đầu đưa về phía trước, gối đầu trên đất, đôi chân thì cái duỗi, cái co trông như bộ dạng con gà chết. Loại gà này hay và vang danh thiên hạ, thuộc dòng Linh kê. Khi ra trường, những nước đầu gà Tử Mị đá chẳng đâu vào đâu vì mắt còn lim dim, thỉnh thoảng lại nằm gục đầu, xõa cánh như lúc ngủ, người ngoài nhìn vào tưởng là gà mệt, gần thua nhưng khi vô nước, mang vào cho đá tiếp thì chỉ một vài đòn trổ tài là làm cho cả trường gà phải kinh ngạc và tiếc thương cho con gà kia phải cúi đầu tẩu mã hoặc chịu thua. Khoảng từ hồ 4 trở đi thì ra đòn nhanh như sét đánh, mạnh như búa tạ giáng, lại linh hoạt, khôn ngoan nên luôn đưa ra những đòn đá đẹp và hiểm hóc. Thuộc loại văn võ song toàn nên thường mang thắng lợi về cho chủ gà. Gà này cho dù chân có vảy xấu hay vảy rủi thì vẫn được chủ kê chuộng và cưng.Sách gà của tác giả Nguyễn Tú viết “Tử Mị: giả chết. Gà Tử Mị tối ngủ dưới đất thì chẳng khác gì con gà đã chết rồi. Chân nó ngay đơ hay xoạc ra, hai cánh giang rộng ra cho thoải mái, cần cổ vươn ra phía trước. Nhìn con gà nằm ngủ trông thật thảm hại. Nếu nó nằm trên cây mà ngủ thì hai cánh xòe ra, đầu chúc xuống, khi ngủ thì mê mệt, li bì, động tĩnh không hay biết”. Theo học giả Toan Ánh thì “Gà Tử Mị có hai loại: loại thứ nhất lúc ngủ nằm ngay đầu, sải cánh, xuôi giò, còn loại thứ hai thì lúc ngủ đôi giò móc lên cây, như dơi, đầu thõng xuống, đôi cánh buôi xuôi”.
Sách gà của tác giả Xuân Tùng lại phân biệt gà Tử Mị với gà Mị Khất như sau: “Tử Mị: ban đêm ngủ như chết, đầu đặt sát đất”. “Mị Khất: ban đêm, gà ngủ “tướng” rất thảm thiết, đáng thương, đầu bỏ vào cánh, lại rớt ra, chống mỏ xuống đất”. Gà Mị Khất ngủ bất thường, khi ngủ đầu thì bỏ ra ngoài nhưng thường là chui vào cánh, sau đó ngủ quên nên rớt đầu ra ngoài, cắm mỏ xuống đất, tướng trông thảm thiết, đáng thương.
Tác giả Phan Kim Hồng Phúc còn đề cập đến một loại gà quý nữa là “Tử Mị Trường”, tức ra đến trường mà vẫn còn ngủ gà ngủ gật. Đây là một giống gà hiếm, khi mang ra trường thì mắt lim dim như buồn ngủ, nhìn như không bận tâm gì đến mọi chuyện xung quanh, bất kể ồn ào, cứ đứng tỉnh bơ như thả hồn lên cung trăng, nước da tái nhợt. Nhưng khi cáp độ xong, chủ vào nước cho gà thì nó lại trở nên hoạt bát, linh động, nếu là gà cựa thì khi được mang đôi cựa sắt vào thì đôi đoản đao này sẽ chui vào hang cua, đâm thấu phổi đối phương, phần lớn gà này chỉ toàn thấy thắng. Đây là loại gà văn võ song toàn, vừa biết dùng mưu vừa biết dùng sức.
Nếu căn cứ vào dáng ngủ thì gà Tử Mị rất hiếm. Ngày nay, đa số gà được gọi “Tử Mị” không hề “xoạc chân, giang cánh”, chẳng qua khi ngủ đầu rớt ra khỏi cánh mà thôi; như vậy chúng đều là gà “Mị Khất” như những con dưới đây.
Hình minh họa gà Mị Khất:
Gà Nhật Nguyệt
Cựa Gà Nhật Nguyệt có hai màu, cựa chân này màu đen thì cựa chân kia màu trắng. Những con gà có cựa nhật nguyệt thường ra đòn hiểm và độc. Nếu là gà cựa thì có thể giết chết đối phương trong nháy mắt, là gà đòn thì đá gãy cần đối phương dễ như trở bàn tay. Chú ý kẻo nhầm lần với gà cựa tam lan (tức cựa có màu trắng đen lem nhem).Hình minh họa gà Nhật Nguyệt:
Gà Thư Hùng Kê
Chân gà Thư Hùng Kê có hai màu, chân này màu trắng thì chân kia màu đen, hoặc chân này màu xanh thì chân kia màu vàng. Còn nếu chân không thuộc vào nhóm màu như trên hay chân trắng chân xanh thì cũng không được xem là Thư hùng kê mà đó chỉ là gà bị lai hoặc bị cận huyết.Sách gà của tác giả Xuân Tùng có viết “Gà có một chân đen một chân trắng hay một chân vàng một chân xanh… Tóm lại, hai chân mỗi chân mỗi màu riêng biệt”. Còn sách gà Phan Kim Hồng Phúc viết “Đôi chân gà khác màu nhau gọi là thư hùng nhật nguyệt là gà rất hiếm, gặp được là diễm phúc”.
Hình minh họa gà Thư Hùng Kê:
Gà Lưỡng Nhãn
Mắt gà Lưỡng Nhãn có 2 màu khác nhau. Theo tác giả Nguyễn Tú thì đây cũng là một loại gà thuộc loại Linh kê.Hình minh họa gà Lưỡng Nhãn:
Gà Lục Đinh
Theo tác giả Xuân Tùng, “trên và dưới cựa chính có nổi lên hai cựa phụ thấp hơn, nếu hai cựa này rung rinh thì tốt, là gà quý, gọi là Cựa lục đinh”.Theo tác giả Phan Kim Hồng Phúc “Cựa lục đinh lục giáp là cựa dành riêng cho gà giỏi, gà hay, gà hiếm, đá đâu cũng thắng. Đặc biệt là gà này đá xong một độ, nghỉ ngơi độ ba mươi phút, lại có thể cáp độ với con gà khác, thả ra chỉ rẹt, rẹt mấy đá quay về, con gà địch thủ đang quằn quại trên vũng máu trong khi chủ gà thì đứng đực mặt ra, tự hỏi vì sao gà mình hay như thế, tại sao lại thua”.
Hình minh họa:
Gà Móng Cổ (Giáp cần)Theo học giả Toan Ánh, “Gà dưới cổ có vảy: đây là một loại gà rất hiếm và cũng là một loại gà rất anh hùng”. Sách gà Xuân Tùng gọi là “giáp cần”, định nghĩa như sau: “hiếm lắm, “quý kê” là nó, một vảy mọc trên cần cổ, được lông che kín, gà đứng nước cao, càng khuya càng trổ ngón độc, chơi gà có vảy này khó bại”.Có những con gà có vảy mọc ở trên mồng hoặc khu vực gần với mồng, được gọi là
Gà giáp mồngHình minh họa: