Đi theo Quốc lộ 1 A từ Trung Lương (Mỹ Tho) xuôi về phía Nam gần 60km là đến ngã ba An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, điểm đầu của Quốc lộ 30. Rẽ vào ngã ba này, đi thêm 35 cây số nữa là đến thành phố Cao Lãnh, một thành phố trẻ nằm bên bờ sông Tiền lộng gió.
Bên bờ sông Cao Lãnh, trong các vườn cây ăn trái xum xuê ở các xã Hòa An, Tân Thuận Tây, nhìn đâu cũng thấy những bội sắt nhốt gà chiến đủ loại, đủ màu sắc. Ông Ba S., người có thâm niên hơn 30 năm nuôi gà chiến, nói: “Từ xưa tới nay theo nghiệp nuôi gà chiến là phải chấp nhận cảnh cực như…chăm con mọn, nhưng nếu sa chân vào nghề này thì đam mê không dứt ra được”.
Nâng niu con gà điều màu lông đỏ đậm trên tay, ông Ba S. kể chuyện chăm sóc gà: “Con gà cũng cần ăn, uống như con người. Nhưng muốn có con gà chiến thực sự khỏe mạnh để đương đầu với các địch thủ, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bất thành văn”.
Cho gà ăn “quá hớp” thì con gà cũng bị chứng béo phì như người ta, dư mỡ, xoay trở nặng nề, đi đứng chậm chạp, để đạp mái còn không ra gì, nói chi đến chuyện chiến đấu. Nước để cho gà uống bắt buộc phải là nước mưa, đựng trong lu có nắp đậy đàng hoàng. Nếu cho gà uống nước máy thì…xem như vứt. Mỗi sáng sớm cho gà uống một lần, có ly, chén đong đo cẩn thận. Làm như vậy để gà bền sức khi đá, không “hốc” nước.
Ông Ba S. nói, nuôi gà chiến phải đảm bảo cho gà đầy đủ dinh dưỡng và có chế độ tập luyện nghiêm ngặt con gà mới khỏe, thịt da săn chắc, nhanh nhẹn và chịu đòn dai, đá không chạy xịt (bỏ chạy nữa chừng). Muốn như vậy, hàng ngày người nuôi gà phải tẩm nghệ, phun rượu toàn thân gà.
Các thứ lông cánh, đuôi, chân, cổ… được cắt tỉa cẩn thận cho thân gà gọn nhẹ, không vướng víu khi lâm trận. “Còn tẩm gà thì có bài thuốc riêng thuộc loại bí truyền, đủ sức tẩm gà tới mức da nó dày như da… voi, cựa gà khác thường đâm không thủng, nhưng với cựa sắt nhọn bén như mũi chông như dân chơi gà hiện nay đang xài thì da voi cũng thủng chứ đừng nói da gà”, ông Ba S. nói.
Thông thường, gà nuôi được một năm thì tới tuổi trưởng thành, có thể cho xung trận. Nhưng thường các chủ gà chưa cho gà ra trận liền mà vẫn tiếp tục huấn luyện gà cho dày dạn kinh nghiệm chiến trường, khoảng 5-7 ngày là gà được “xổ” một lần để đấu tập. Từ những buổi tập đó, các chủ gà chú ý xem thế đá, phân tích từng cú nạp, móc giò, né đòn, mổ, đâm… để đánh giá năng lực, thế mạnh, thế yếu của gà để khi xung trận chính thức sẽ có cách “cáp độ” với đối thủ ngang tài, ngang sức.
Trong suốt thời gian đá tập, các chú gà được tẩm bổ kỹ lưỡng theo chế độ đặc biệt. Cách chừng 2-3 ngày, gà được cho ăn một lòng đỏ trứng gà, thịt bò hoặc cá, lươn sống bằm nhỏ và các thứ cà chua, đậu xanh, đậu nành, sau khi ăn đem gà ra tắm sương, dùng khăn sạch lau gà cho đều rồi phun ít rượu. Điều tối kỵ đối với gà chiến là phải nhốt cách ly, không bao giờ để cho gà bén mảng đến đám gà mái, mất sức.
Ông Ba S. nói, từ xưa gà Cao Lãnh đã được chăm sóc kỹ lưỡng như vậy nên nổi tiếng hung dữ, sức mạnh vô song và đòn thế đá rất hay. Hồi trước 30-4-1975, “tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ nổi tiếng là dân chơi gà thứ thiệt, mê đá gà và là một người hâm mộ gà chiến Cao Lãnh.
Người ta kể, trong tư dinh của ông tướng này lúc nào cũng có một bầy gà chiến, trong đó những con sừng sỏ nhất, có thành tích dữ dằn nhất, phần lớn xuất thân từ các lò luyện gà danh tiếng ở xứ Cao Lãnh. Giới chơi gà chiến ở Cao Lãnh còn lưu truyền chuyện “tướng râu kẽm” khi nghe tin ở đâu có con gà hay thì liền cho người tìm đến thương lượng mua đứt, sau khi ngã giá thành công thì ít giờ đồng hồ sau đã thấy ông tướng đích thân bay trực thăng phành phạch xuống tận nơi “đón gà về dinh”.
Nếu bận công việc không đi đón gà được thì ông tướng cũng cử đệ tử thân tín nhất đi đón gà. Nhiều người lớn tuổi rành chuyện ông “tướng râu kẽm” mê đá gà còn kể một câu chuyện thú vị: lần nọ đột ngột ông tướng biến mất khỏi Sài Gòn, cả gia đình, đơn vị, bạn bè đều không biết đi đâu.
Cả Sài thành hoa lệ nháo nhác truy tìm ông tướng râu kẽm nhưng không biết ông ta ở đâu, mãi đến khi chính quyền thông báo khắp các địa phương mới hay, hôm đó ông tướng đang ở Sài Gòn thì hay tin ở Cao Lãnh xuất hiện một con gà nòi rất “chiến đấu”, không có đối thủ.
Sau khi hỏi kỹ thông tin, địa chỉ của chủ gà, ông tướng một thân một mình lái trực thăng bay thẳng xuống Cao Lãnh xem gà và mua cho bằng được. Mua được con gà ưng ý rồi, ông “tướng râu kẽm” hứng chí lái trực thăng chở con gà bay thẳng qua Chương Thiện (Vị Thanh, Hậu Giang ngày nay) để cáp độ đá, bởi lâu nay xứ Chương Thiện cũng có một con gà được tôn xưng là “vô địch thiên hạ”, nên ông tướng ngứa mắt. Không biết trận gà đó thắng thua thế nào, nhưng nghe kể lại sau khi về Sài Gòn ông tướng râu kẽm cho biết: để trốn Sài Gòn đi đá gà ông đã phải lái trực thăng bay thật thấp để…tránh sự phát hiện của rada.
Năm Đại, một tay nuôi gà có tiếng ở xã Tân Thuận Tây, được biết tới như một người nuôi gà nòi chuyên nghiệp. Anh thường tuyển giống từ những con gà đã giải nghệ sau khi thắng những độ lớn. Khi đem về gà cũng te tua, bầm dập, nhưng với cách dưỡng của anh, gà mạnh khỏe, sung sức trở lại.
Rồi anh đi qua tận miệt Bến Tre, Tiền Giang tìm những con mái tơ nòi đem về phối giống. Giải thích vì sao phải đi xa như vậy, anh cho biết “để tránh gà bị “lộn kiếp”, tức là đồng huyết, cùng họ hàng, gà sẽ yếu”. Khi gà bằng cùm tay, trong một bầy 8-9 con, anh chỉ giữ lại 3-4 con “tuyển” và bắt đầu “o” cho tới ngày khôn lớn.