Đá gà cũng đã nhuốm bạo lực. Các con bạc mang thêm cho gà một chiếc cựa sắt nhọn trước khi ra trận. “Nghề” mang cựa cho gà bỗng dưng… có giá.
Sau những ngày thâm nhập trường gà, chúng tôi được tận mắt chứng kiến các tay mang cựa chuyên nghiệp trổ tài. Có thể chủ gà cũng biết mang cựa, tuy nhiên, trường gà dù lớn hay nhỏ cũng không chấp nhận chủ gà mang cựa. Người đảm trách khâu khá quan trọng này phải được các chủ gà hoặc bảo kê trường gà tin tưởng thuê đến.
Mang cựa sắt cho gà trước khi đá
Mang cựa cho… mau hết tiền
Cựa gà phải là cựa được làm bằng sắt hoặc thép, đầu cựa có tiết diện bằng 1/2 mút đũa và nhỏ dần về phía mũi, cong hình lưỡi liềm. Theo “luật” chung của các trường gà, cựa phải là cựa thông dụng (cựa chợ), không chấp nhận cựa do chủ gà tự chế. Cựa dài hay ngắn là do chủ gà thỏa thuận. Trước khi trận đấu diễn ra, chủ gà có khoảng 30 phút để làm nước và mang cựa. Sau khi chủ gà làm nước xong, người mang cựa bắt tay vào việc.
Hôm chúng tôi đến trường gà, người mang cựa được chọn cho trận đấu sắp diễn ra là người đàn ông ngoài 50 tuổi, tên là Thái đến từ P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM. Nhìn bộ dạng râu tóc, cách ăn mặc của ông Thái chẳng khác nào những tên cao bồi da đỏ. Ông đang ngồi nói chuyện điện thoại phía bụi rậm, nơi đó là ngã ba mà các con bạc đã nhắm đến khi có công an ập đến. Một chủ gà còn khá trẻ bước đến nói nhỏ gì đó với hắn. Lát sau ông ta trở ra, lấy từ chiếc giỏ xách ra hai chiếc cựa. Chủ gà lấy cựa từ tay ông Thái đo. Sau một hồi thay đổi, lựa chọn hai chủ gà cũng chọn hai chiếc vừa ý. Lúc này ông Thái ngồi bệt xuống đất, cặp chiếc cựa vào chân, mũi cựa hướng về phía bụng của chú gà, dùng băng keo non quấn chặt. Chỉ sau 3 phút, chú gà đã được “lắp” cựa mới, trông “cứng” hẳn ra. Đang ngồi quấn cựa cho chú gà thứ hai, bỗng chú gà đã mang cựa “ngứa chân”, xông phi về phía đối thủ sau khi cất tiếng gáy. Ông Thái liền bỏ chạy để tránh cựa đâm. Khó khăn lắm chủ của nó mới ngăn được chú gà khá nóng nảy.
Quấn cựa xong, ông Thái mời cả hai chủ gà đến kiểm tra lại cựa lần cuối. Một chủ gà ra vẻ không yên tâm về chiếc cựa, nói: “Sao thấy nó như cái răng rụng vậy?”. Người mang cựa từ đầu chẳng hé miệng nửa lời, nghe tên chủ gà nói thế liền buông một câu quá mạng: “Răng mày rụng thì có. Đá mà có rớt là tao bỏ nghề”. Lợi dụng lúc ông Thái đang căng thẳng, tôi bạo dạn mở toẹt miệng chiếc giỏ xách của ông, chẳng có gì khác ngoài chục cuộn băng keo non và hai bó cựa sáng bóng, nhọn hoắt. Tôi giả khờ, hỏi ông Thái: “Mục đích của việc mang cựa để làm gì?”. Ông Thái trả lời nửa đùa nửa thật bằng giọng nghiêm: “Mang vào đá cho mau hết tiền”.
Gà hay nhờ… mang cựa
Đã đến giờ ra trận. Các con bạc xếp thành vòng tròn, khá trật tự. Sau khi anh “trọng tài” phát chiếc nón ra hiệu trận đấu bắt đầu, ông Thái không rời mắt khỏi hai con gà đang kình nhau, chọn thế để ra đòn hạ gục đối thủ. Các con bạc nhao nhao, la hét inh ỏi giữa đám đất trống nằm cách đường lộ khá xa. Đúng như dự đoán của một con bạc đứng cạnh tôi, một con bị dính cựa ngang hông. Tên chủ con gà bị dính cựa nhìn ông Thái nói như quát: “Ôm gà lại, tháo cựa đi”. Anh chủ gà còn lại đốp: “Ôm lại là thua”. Vừa dứt lời, con gà bị sốc thêm hai nhát sâu hoắm, giãy rật rật rồi lăn đùng ra chết. Chủ gà bại trận tức khí, vừa ôm con gà chết vừa mắng nhiếc ông Thái: “Bảo ôm ra mà không ôm”. Ông Thái trợn mắt: “Mày bị điên à. Gà nó hay quá, thắng cũng phải”.
Theo quy định, ai mang cựa thì người đó tháo cựa mỗi khi bị đá “hiểm” (tức là cựa bị sốc vào xương sườn, găm chặt không thể rút ra được). Tháo cựa cũng phải có kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chí nhanh, gọn… Chiến, một tay mang cựa nhiều năm kinh nghiệm cho biết: “Có khi tháo cựa chậm quá hoặc tháo không dứt khoát sẽ khiến gà chết. Chủ gà khó tính không chịu chung là người mang cựa phải ôm sô”.
Chung độ xong, một toán con bạc giải tán nhanh. Ông Thái cũng lấy tiền công rồi leo lên xe phóng nhanh như bay về hướng quốc lộ 1A. Trước đó, có ai gọi điện, ông trả lời: “Cứ làm nước đi, tao tới liền”. Nhóm còn lại cáp độ tiếp. Lần này tay mang cựa khá trẻ đảm nhiệm. Theo những con bạc mà chúng tôi có dịp làm quen, người quấn cựa này tên Tuấn. Tên này có kinh nghiệm cũng nhờ… đã bán căn nhà cấp bốn của cha mẹ để lại “nuôi” trường gà. Khác với bề ngoài lầm lì, Tuấn tỏ ra rất dễ gần. Tuấn cho biết, ai cũng có thể mang cựa được nhưng có nhiều thủ thuật không phải ai cũng biết và phát hiện. Tuấn bỏ nhỏ: “Chỉ cần quấn cựa nghiêng (xuôi) theo hông gà chút xíu là có khả năng thắng. Khi đó, gà đá kiểu nào cựa cũng đâm hụt. Nếu thua là vì gà quá tệ”.
Tuấn cho biết, công việc mang và tháo cựa rất nguy hiểm, có thể hỏng mắt như chơi. Khi một trong hai con bị đâm, theo yêu cầu của chủ (chấp nhận thua để giữ gà) là phải ôm ra tháo cựa. Chúng đang hăng máu, mình nhào vô mà không có kinh nghiệm thì dính cựa như chơi. “Lúc mới vào nghề, bị cựa đâm toét mí mắt, rách mặt xảy ra như cơm bữa”, Tuấn nói. Cũng như “trọng tài” trường gà, người mang cựa được hưởng phần trăm trên tiền sổ. Tuy nhiên, ở một số nơi, tiền thù lao cho người mang cựa là do thỏa thuận giữa hai bên, thông thường từ 50-100 ngàn đồng/ lần mang. Thu nhập có ổn định không? Tôi hỏi. Tuấn thở dài: “Tiền vô dễ nên ra cũng dễ. Có ngày làm trên triệu đồng nhưng chẳng có dư”. “Cũng chơi nữa hả?”. “Nói chung không chơi đều, chỉ con nào thấy “thơm” mới “xuống xác””, Tuấn đáp.